Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi,
Khó đi mượn chén ăn cơm,
Mượn ly uống rượu, mượn đàn kéo chơi
Người Nam kỳ nghĩ sao nói vậy, không quá giữ kẽ, quanh co úp mở, vòng vo như người Bắc.
Đất Nam kỳ là vùng đất mới chỉ vỏn vẹn hình thành hơn 300 năm, Người khai hoang vào Nam kỳ đa số là dân tứ xứ, có người không nhà không cửa, có kẻ bị lưu đày, có người là dân cướp bóc sống ngoài vòng luật pháp, ngoài luân thường đạo lý tha hương đến xứ này...
- (Trong đó có cả đám bồ thần nhà Minh năm vào xin chúa Hiền nương nhờ vùng đất Cù lao, Mỹ tho sinh sống ,cộng thêm nhóm người Minh theo ông Mạc Cửu ở vùng Hà Tiên và những người Cao Miên bổn xứ nhưng bài này mình nói về người khai hoang gốc Việt)
Tính khí ngang tàng của những kẻ đi khai hoang đã có sẵn cộng thêm sự khao khát tìm đường sanh lộ nơi xứ sở lạ lùng con chim kêu cũng sợ con cá vùng cũng kinh.
Những người cùng khổ như họ đã biến mảnh đất hoang vu không người ở thành làng xóm thành ruộng đồng phì nhiêu... Dẫu biết rằng cái giá cho những kẻ đi khai hoang là sự cô đơn thiếu thốn thậm chí sự khinh miệt của những người được coi là phong lưu quyền quý...
Rồi những con người không quen biết nhau tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, do vậy cơ sở của quan hệ giữa họ ở đây không phải tình mà là nghĩa. Chính vì lẽ đó đã làm cho họ - những con người cùng khổ sống chết bên nhau trên mảnh đất mới càng yêu thương nhau hơn thông cảm cho nhau hơn, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn chia sẻ với nhau miếng cơm manh áo, cái mà ngày nay chúng ta gọi là Tình Làng Nghiã Xóm.
Trong tận cùng đau khổ thì ta mới nhận thấy một tình thương cộng đồng vô bờ bến của nhữg kẻ tha phương cầu thực - những kẻ tiên phong mỡ cõi - tổ tiên của những con người Nam bộ hiện đại hôm nay..
Những kẻ sống với quan niệm Tình Làng Nghiã Xóm đã cưu mang nhau trong tình láng giềng, rồi trai giang hồ yêu gái kẻ chợ, kẻ người Việt yêu người Tàu, cô người Miên thương anh người Chăm, chú người Tiều để ý dì người Hẹ.... Những kẻ lưu dân đến từ các sắc tộc không giống nhau, họ yêu thương nhau, ăn ở với nhau trong cái tình làng xóm đến thành cái nghiã phu thê.
Thế hệ con cháu của họ sau này không như người Bắc kỳ - gia đình họ đa phần có gia phả tổ tiên nguồn cội mà biết mình sinh ra từ dòng tộc nào, ông cố ông sơ từng là quan là tướng triều đình này triều đình kia v.v...
Nhưng người Nam kỳ ít quan tâm tới gia phả, họ chẳng hiểu ông chú, ông bác (hoặc lắm khi ông nội) của họ là ai.
Họ chỉ nhớ mang máng tổ tiên xưa kia từ Bình Định, quảng Nam vào đây, con cái của mấy ổng chia ra làm nhiều hệ phái lập ngiệp ở Tân an, ở Cà Mau chăng...
Vì như đã nói vùng đất Nam kỳ còn là đất của những lưu dân bần cùng, những người đi đày vô sản (khác với nông dân Bắc kỳ hữu sản), bởi vậy mà người Nam kỳ liều lĩnh như không còn gì để mất, họ cũng đầy nghĩa khí, bởi vậy mới hình thành nên tính trọng nghĩa khinh tài (có người nói do dư âm còn sót lại của những người trong Thiên Điạ Hội.
Người nông dân Nam kỳ hay uống máu ăn thề, hay kết nghĩa huynh đệ đồng sinh đồng tử. Họ coi cái chết "nhẹ tựa lông hồng", có khí thế ngang tàng nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá. Lục Vân Tiên tay không bẻ cây đánh cướp để giải thoát Nguyệt Nga (người Nam kỳ mình rất thích và thuộc "Lục Vân Tiên" chính là do tính trọng nghĩa này) như Anh hùng Nguyễn Trung Trực khảng khái: "Bao giờ hết cỏ nước Nam, thì dân Nam mới hết người đánh Tây".
Tính trọng nghĩa khinh tài khiến người Nam kỳ coi nhẹ tiền tài, của cải vật chất:
Theo nhau cho trọn đạo trời,
Dẫu không có chiếu trải tơi mà nằm.
Họ yêu trung ghét nịnh; phò trung phạt nịnh; phò chánh trừ tà; ân oán phân minh , họ có tác phong rõ ràng, dứt khoát: nói như rựa chém xuống đất; làm ra làm, chơi ra chơi; làm thì làm tới chết bỏ, còn ăn chơi thì phải xả láng mới đáng mặt
Yêu đương trai gái cũng quyết liệt và ngang tàng:
Dao phay kề cổ, máu đổ không màng,
Chết tôi tôi chịu, buông nàng không buông;
Đó đi tu, đây xin ở sãi,
Ăn đĩa tương chùa trọn ngãi cùng nhau;
Đôi lứa ta thương nhau, thương dại thương dột,
Thương lột da óc, thương tróc da đầu,
Ngủ đi thì chớ, thức dậy lại thương.
Gió đưa buồn ngủ lên bờ, mùng cô em có rộng, cho ngủ nhờ một đêm;
Nước Láng Linh chảy qua Vàm Cú, thấy bộ em chèo cặp vú muốn hun;
Rượu ngon cái cặn cũng ngon,
Thương em bất luận chồng con mấy đời.
Người con gái cũng bạt mạng không kém:
Cầu cao, ván yếu, bước rung,
Anh thương em thì thương đại, ngại ngùng thì đừng thương;
Anh về em nắm vạt áo em la làng,
Phải để chữ thương chữ nhớ giữa đàng lại cho em;
Dao phay chín ngọn, em bắt trọn có một mình,
Chết em chịu chết, biểu buông mình em không buông;
Anh có tiền dư cho em một đồng,
Em về mua gan công, mật cóc thuốc chồng rồi em theo anh.
Hệ quả thứ nhất của tính trọng nghĩa là tính hào hiệp, sống hết mình, sẵn sàng đùm bọc, sẻ chia, kiểu hôm nay có tiền thì dốc túi đãi nhau, ngày mai thiếu thì tính sau.
Hệ quả thứ hai của tính trọng nghĩa là tính hiếu khách. Do trọng nghĩa, hào hiệp, lại được thiên nhiên ưu đãi, trong khi lại đất rộng người thưa nên bất cứ người Việt nào đến đây cũng đều là bạn.
Đại nam nhất thống chí có viết về người dân Nam : "Ưu đãi khách không kể tốn phí".
Theo ghi chép của Trịnh Hoài Đức thì "Ở Gia Định có khách đến nhà, đầu tiên gia chủ dâng trầu cau, sau dâng cơm bánh, tiếp đãi trọng hậu, không kể người thân sơ quen lạ, tông tích ở đâu, ắt đều khoan nạp khoản đãi, cho nên người đi chơi không cần đem tiền gạo theo"
[Trịnh Hoài Đức 1820/1998].
Nguồn tham khảo : Từ các tác phẩm về Nam Bộ của nhà văn Sơn Nam