Vì sao không nên tiếp thị trực tuyến "nhỏ giọt"?


Mỗi tháng, trung bình các chủ cửa hàng trực tuyến vừa và nhỏ chi cho tiếp thị trực tuyến 5 - 10 triệu đồng. Đây là số liệu được công bố từ kết quả khảo sát thực hiện ngẫu nhiên trên 2.000 khách hàng là các chủ cửa hàng trực tuyến của Bizweb vào tháng 1/2016.

Tuy nhiên, với số ngân sách này, các chủ cửa hàng thường đầu tư phân tán với rất nhiều hình thức tiếp thị, dẫn đến hiệu quả chưa được như mong muốn.

Đa dạng kênh quảng cáo

Theo khảo sát, các kênh tiếp thị trực tuyến như Facebook, Google Adwords, SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), email marketing, seeding diễn đàn (forum seeding) và đăng bài trên báo chí được sử dụng tại hầu hết các cửa hàng tham gia khảo sát. Trong đó, quảng cáo trên Facebook hiện là kênh tiếp thị hàng đầu với 87% cửa hàng sử dụng, tiếp theo là SEO với 68% và seeding diễn đàn với 67%.

Khác với những thương hiệu lớn có nhân viên chuyên trách hoặc thuê các dịch vụ bên ngoài để thực hiện quảng cáo trên Facebook và SEO, các chủ cửa hàng trực tuyến vừa và nhỏ đang tự tìm tòi và thực hiện tiếp thị trực tuyến.

Có đến 58% cửa hàng có doanh thu dưới 50 triệu đồng/năm đang tự thực hiện quảng cáo trên Facebook, 37% đối với SEO và với Google Adwords là 31%. Tương tự, các cửa hàng có doanh thu cao hơn, có khi đến trên 1 tỷ đồng/năm, cũng tự chạy chiến dịch quảng cáo, tiếp thị.

Với ngân sách nằm trong khả năng, tập trung vào nhóm khách hàng mục tiêu cộng với am hiểu về kỹ thuật hoặc chịu khó tìm tòi, học hỏi từ các cộng đồng là các chủ cửa hàng có thể tự tin thiết lập chiến dịch quảng cáo.

Với SEO, mặc dù yêu cầu kỹ thuật cao hơn so với thiết lập quảng cáo, nhưng sự phát triển của các nền tảng bán hàng trực tuyến đã cho phép người dùng can thiệp, hỗ trợ SEO và tự đưa website lên top là việc hoàn toàn trong tầm tay của các chủ cửa hàng.

Không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, hình thức này còn giúp các chủ cửa hàng có cái nhìn tổng quát về tình hình tiếp thị cũng như có sự thay đổi kịp thời và phù hợp.

Hiệu quả có được như mong muốn?


Trong khi kênh quảng cáo đa dạng mà nguồn lực và tài chính có hạn thì liệu các chủ cửa hàng kinh doanh trực tuyến có đạt được hiệu quả như mong muốn?

Anh Nguyễn Văn Lợi - chủ cửa hàng thực phẩm sạch Standard Food chia sẻ: "Facebook mang lại nhiều đơn hàng hơn so với các kênh khác nhưng khi mới chạy quảng cáo, do mình chưa hiểu rõ cách thực hiện nên hiệu quả chưa cao".

Sau một thời gian tìm tòi, thậm chí "đốt tiền" cho Facebook, anh Lợi đã tự thực hiện được các quảng cáo trên Facebook và có được lượng đơn hàng cao hơn khi biết nhắm đúng đối tượng khách hàng và tiết kiệm tối đa chi phí.

Tuy nhiên, không phải chủ cửa hàng nào cũng may mắn như anh Lợi khi có chiến dịch quảng cáo hiệu quả tạo ra đơn hàng. Ông Ngô Quốc Tài - Giám đốc Công ty Vietteam cho biết: "Tôi đã từng sử dụng Google Adwords và Facebook Ads, lượng khách hàng biết đến Công ty khá nhiều nhưng chất lượng khách hàng cũng như tỷ lệ chuyển đổi của khách hàng tiềm năng chưa được tốt lắm".

Mặc dù hiệu quả từ việc tự thực hiện quảng cáo trên các kênh quảng cáo đối với các chủ cửa hàng trực tuyến vẫn còn là ẩn số, nhưng xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới đây.

Ông Trần Trọng Tuyến - TGĐ Công ty CP Công nghệ DKT đánh giá, hiệu quả của việc quảng cáo trên Facebook hay các hình thức tiếp thị khác như Google Adwords, email marketing... phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tìm hiểu và kỹ năng của các chủ cửa hàng. Do vậy, họ rất cần những nền tảng hỗ trợ từ phía nhà cung cấp dịch vụ.

Hiện nay, với việc tự thực hiện SEO, các nền tảng bán hàng trực tuyến như Bizweb, Shopify... đều đã có công cụ hỗ trợ các chủ cửa hàng trong tối ưu hóa và tùy biến website nhanh chóng.

"Vấn đề quan trọng nhất là thái độ tích cực học hỏi của chính chủ cửa hàng, kết hợp cùng các công cụ hỗ trợ, việc tự thực hiện SEO hay quảng cáo đa kênh sẽ đem lại doanh thu, khách hàng nhiều hơn cho các cửa hàng kinh doanh trực tuyến trong thời gian tới", ông Tuyến tư vấn.

Theo Quỳnh Anh | DNSG

Labels:
[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.