Chuyện làm ăn ở Sài Gòn - Phần 2


Vậy để trả lời cho câu hỏi vì sao nên khởi nghiệp, thì tôi cho rằng, sao cũng được, miễn là bạn thích, phải thật thích, đừng cố tìm một lý do, mà thay vào đó, hãy đặt câu hỏi ngược lại.

Vì sao không nên khởi nghiệp?

Có nhiều bạn trẻ, rất trẻ, tới gặp tôi, hỏi thẳng thừng, em/cháu định bắt đầu kinh doanh cái này, làm ăn cái nọ, và xin lời khuyên. Thật khó cho tôi để nói với các bạn, nếu tôi nói: tốt, bắt tay vào thôi, thì tôi cũng áy náy vì chưa nói hết lòng với bạn, còn nếu tôi nói thực lòng, khuyên bạn nên nghĩ lại thì bạn sẽ không vui, và dù không vui, bạn cũng chẳng nghe lời khuyên ấy, vì lòng bạn đã quyết. Bạn tìm đến tôi không phải xin một lời khuyên, mà đúng hơn, cái bạn cần là một lời động viên, cổ võ từ tôi. Vì khó trả lời cho từng bạn nên tôi viết ra đây luôn, hơi thẳng thắn chút, nhưng coi như tôi đã hết lòng chia sẻ.

Qua nhiều trải nghiệm, từ chính tôi, và từ bạn bè, tôi có thể ghi ra vài tình huống mà bạn không nên, hoặc chưa nên bắt tay vào khởi sự một việc kinh doanh. Mười mấy năm trước, lúc toan tính những dự án kinh doanh đầu tiên, tôi rơi vào hầu hết trong các tình huống sau đây, và tôi đã từng thất bại, không chỉ một mà nhiều lần, đã phải trả giá rất nhiều và cũng gặt hái rất nhiều những trải nghiệm quí báu, nếu bạn thấy mình trong những tình huống sau thì cũng thì cũng đừng vội nghi ngờ, ngay cả từ trường trái đất còn có lúc không đúng thì trải nghiệm của tôi cũng có thể sai.

Bạn không nên khởi nghiệp trong 5 tình huống sau:

Khi bạn còn quá trẻ: theo tôi, dưới hai lăm tuổi thì đừng nên làm điều gì một cách nghiêm túc, như lập gia đình hay lập công ty, bạn có thể thấy nhiều tấm gương bỏ học thành công hay tỉ phú 19-20 tuổi… nhưng đó chỉ là vài trường hợp, hoặc họ cực kỳ xuất sắc, hoặc cực kỳ may mắn, tôi thì tôi nghiêng về vế sau nhều hơn. Khi trẻ, lợi thế của bạn là sức khỏe, nhiệt huyết và sự liều lĩnh, nhưng điều đó không cam kết gì cả. Ở tuổi này, sự háo hức và nhiệt huyết của bạn cũng chính là hạn chế đầu tiên, bởi như một con thiêu thân, bạn lao vào ánh sáng vinh quang của sự nghiệp bất chấp mọi thứ, và cũng như con thiêu thân, bạn không đến được đích. Có thể bạn nghĩ rằng: tôi còn trẻ, tôi mạo hiểm chút, nếu thất bại thì coi như một bài học trường đời, vậy cũng tốt, nhưng nói trước, bài học này tốn kém lắm, nhất là niềm tin của bạn, tuổi trẻ là tuổi của tin yêu, tin vào cuộc đời, vào con người, mất niềm tin khó mà lấy lại được, và nửa đời về sau của bạn, dù có thành công đến đâu, cũng khó bù đắp lại niềm tin đã mất. Cá nhân tôi nghĩ rằng, nếu không thừa hưởng một một công việc kinh doanh của gia đình hoặc bỗng nhiên gặp một cơ hội kinh doanh hiếm hoi như nhật thực toàn phần, thì trước tuổi này bạn nên đi làm thuê, kiếm đủ tiền để đi du lịch bụi, đọc sách, sống trọn từng giây phút của tuổi trẻ và tình yêu, đừng vội, mơ ước không bị quá hạn đâu.

Khi bạn vẫn còn đi làm thuê: Có nhiều người mong muốn vẫn giữ một công việc, với thu nhập ổn định đủ bảo đảm cuộc sống nhưng vẫn muốn khởi sự một công ty riêng, kiểu chân trong chân ngoài, hai tay hai súng… điều này tôi khuyên là không nên, vì bạn sẽ thiếu tập trung, và hệ quả là cả hai việc đều dễ không thành công, giống như vừa ăn cơm vừa đánh cờ, cơm cũng mất ngon mà cờ thì đánh dở. Mười mấy năm đi làm thuê tôi từng toan tính đủ thứ chuyện, thực hiện không biết bao nhiêu dự án, nhiều lúc ban ngày ở công ty tối về làm suốt đêm, nhưng tôi sớm nhận ra mình không thể thành công với kiểu chân trong chân ngoài này. Khi làm thuê, bạn không chủ động về thời gian, nên nếu không có một người trợ thủ đắc lực, có chuyên môn và trách nhiệm tương đương với bạn hoặc hơn, để đảm nhiệm công ty cho bạn, thì đừng nên cố làm hai việc cùng lúc. Dĩ nhiên tôi không khuyên bạn hãy nghỉ việc trước khi bắt đầu, nhưng ít ra, một khi đã chạy, bạn chỉ có thể chạy trên một đường mà thôi.

Khi bạn được bạn bè rủ: hãy cân nhắc kỹ việc khởi nghiệp chỉ vì một lời rủ rê của bạn bè, dù đó là người bạn thân nhất. Đôi khi trà dư tửu hậu với nhau, vài người bạn này ra ý định kinh doanh, một nhà hàng hay quán café, một công ty kinh doanh sản phẩm mà cả nhóm cùng quan tâm hoặc từ một ý tưởng mà mọi người cho rằng nó thật xuất sắc. Người Việt khác người phương tây ở chỗ thiếu rạch ròi giữa tiền bạc và tình cảm, điều này đôi khi cũng tốt vì rạch ròi quá thì bạn bè khó thân thiết, luôn có khoảng cách, nhưng riêng trong việc hùn hạp kinh doanh thì nó hoàn toàn không tốt chút nào, kể cả khi mọi thứ thành công rực rỡ. Nếu bạn không phải là người khởi xướng đầu tiên, thì đừng làm người thứ hai, theo tôi từng biết thì những quan hệ từ việc khởi sự hùn hạp kiểu đó thường không bền, nếu bạn là người thứ hai trong cuộc tình đỗ vỡ này, thì có khi bạn vừa mất tiền vừa mất cả bạn bè. Tôi từng trải qua chuyện này, không phải vì thất bại mà chính việc nhận ra bạn bè ở một góc nhìn cơm áo đã làm tôi rất buồn, thậm chí một thời gian dài tôi chỉ đi chu du thiên hạ một mình cho nguôi ngoai.

Khi bạn không có những kiến thức cơ bản thuộc các lĩnh sau: quản trị, kế toán và tiếp thị. Đôi khi bạn rất giỏi về việc mình sẽ làm, ví dụ như bạn là một nhà hóa học và bạn muốn kinh doanh hóa chất, rất tốt, nhưng chưa đủ. Tôi gặp rất nhiều trường hợp này, những người giỏi thực sự cuối cùng phải đầu hàng, không hiểu vì sao mình thất bại. Cho dù tới đó bạn có đăng ký học mấy lớp ban đêm về quản trị hay bán hàng thì nó cũng không thực sự giúp ích nhiều nữa, bạn cần có nó trước, trước cả khi bạn nghĩ đến việc khởi nghiệp. Dĩ nhiên không nhất thiết phải có bằng cấp trong những lĩnh vực này, chỉ cần bạn tự học và áp dụng những thứ đã học vào trong công việc hằng ngày, trong những thông tin kinh tế, tập quan sát và rút ra bài học cho mình. Cả ba thứ kiến thức trên, nếu chịu khó học hỏi thì bạn cũng có thể vừa làm vừa học, nhưng tốt nhất nên có nó trước khi bắt đầu, bởi nếu không, những kế hoạch kinh doanh của bạn ngay từ đầu đã sai be bét rồi, khó mà sửa chữa được.

Khi bạn chưa đủ quyết tâm: à, cái này mơ hồ lắm, hơi thuộc về tính cách. Bạn nghĩ, bạn muốn là một chuyện, nhưng quyết tâm theo đuổi đến cùng thì là chuyện hoàn toàn khác. Tôi gặp không ít người, lúc khởi sự rất quyết tâm, rất máu lửa, nhưng đến khi có vài khó khăn là bỏ cuộc, đôi khi tự dưng bỏ cuộc chỉ vì không hứng thú nữa, đôi khi bỏ cuộc chỉ vì vài lời ca thán của gia đình, của bạn bè, đôi khi bỏ cuộc vì nghĩ rằng mình không gặp thời. Cũng có khi, ban đầu, bạn tô vẽ kế hoạch của mình sặc sỡ quá, đến khi thực tế không được như mong muốn, đã làm bạn nản lòng. Hãy xác định, con đường bạn chọn trước mắt không dễ dàng, không có con đường nào dễ dàng, và bạn không còn bước đi với tâm thế một người làm công ăn lương nữa, không thực nghiệm, không nghệ sĩ gì nữa, bạn đang ra trận, bạn đang chiến đấu, bạn đang chạy đua… hãy dẹp bỏ những mơ mộng và xắn tay áo lên. Đừng nhìn biển theo cách một du khách nằm trên bãi cát trắng và nhâm nhi café, hãy nhìn biển bằng con mắt dạn dày sóng gió của một ngư ông. Tôi thích một câu của tổng thống Putin, trích trong hồi ký của ông lúc còn huấn luyện sĩ quan KGB: "nếu chưa muốn bắn, thì đừng rút súng khỏi bao.

Trong các tính huống trên, tôi không đề cập tới vốn, kinh nghiệm, sản phẩm, dịch vụ, thị trường… những thứ mà bạn thường nghĩ tới khi lên kế hoạch, tôi sẽ bàn mấy chuyện đó ở chương sau.

Umbala Sài Gòn | www.damhaphu.com
Tại Sài Gòn, để là người thực tế, bạn phải tin vào phép lạ.
Labels:
[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.