Cái hối hả, tất bật ấy đã trở thành nét đặc trưng của nhịp sống nơi đây. Nhưng không vì thế mà người Sài Gòn đánh mất những thói quen đã ăn sâu vào máu thịt: Uống café buối sáng.
Người Sài Gòn uống café từ sáng sớm, sinh viên uống café trước khi đến giảng đường, viên chức uống trước khi đến công sở, bác đạp xích lô, chú xe ôm uống café trước khi bắt đầu công việc thường nhật… Café Sài Gòn dành cho tất cả mọi người.
Sài Gòn đi xa là nhớ. Mỗi người có thể có một khoảng trời nhớ thương của riêng mình nhưng có lẽ khoảng nhớ cho café Sài Gòn đã trở thành nỗi nhớ chung của biết bao người xa xứ.
Người Sài Gòn thưởng thức café theo cách của riêng mình. Cái hối hả của cuộc sống, những gánh lo toan dường như chẳng chạm nổi tới những phút giây họ thư thái bên ly café, vừa nhâm nhi vừa tán gẫu chuyện đời, chuyện người. Nhâm nhi café chứ không uống một vài hơi cho hết, người Sài Gòn uống café sáng đồng nghĩa với việc trò chuyện, nói cười. Nó khác hẳn với cái vội vàng của những ly café Take away kiểu phương tây, café công sở… Bên ly café sáng, người Sài Gòn sống chậm lại, gần nhau hơn trong những câu chuyện đời bất tận. Người ta dường như quên mất tuổi tác, địa vị của mình khi trước mặt là một ly Cà Phê đang tỏa mùi hương quyến rũ. Đó thực sự là triết lý, và là sức hút hữu hình của Cà Phê.
Và cũng vì thế, với người Sài Gòn, café không chỉ là một thứ nước giải khát mà đôi khi là một cái cớ để người ta được thảnh thơi, để giành cho chính mình, cho bạn bè, người thân khoảng thời gian tâm tình.
Sài Gòn không thiếu những quán café sang trọng, nhưng nói đến cái đặc trưng, cái làm con người ta dễ nặng lòng nhớ thương nhất lại chỉ giản dị là bệt, là những quán cóc vỉa hè. Không bàn ghế cầu kì, không có những bản nhạc lãng mạn, không máy lạnh điều hòa, không cả những người tiếp viên lịch thiệp như vẫn thường thấy mà chỉ là một vài chiếc ghế nhựa vừa làm chỗ ngồi vừa làm chiếc bàn uống café kê ngay bên vỉa hè, hay đặc biệt hơn nữa là café bệt đang trở thành gu café mới của rất đông người dân Sài Gòn. Đó là khoảng bệt rất rộng của đường Hàn Thuyên, công viên 30 tháng 4, là những quán cóc vòng quanh Hồ Con rùa, rải rác trên những con đường rợp bóng cây. Vậy thực ra Café hẻm, café bệt có ngon hơn không? Tại sao người Sài Gòn vẫn yêu đến thế? Câu trả lời đôi khi không hẳn bởi là ngon- cái ngon của vị giác mà vị ngon của tiếng chim ríu rít sớm mai, vị ngon của nắng Sài Gòn, của hương hoa, của gió trong lành, là sở thích ngắm nhìn dòng người xe tấp nập giữa phố hay đám trẻ nô đùa trước cổng trường, từng đôi uyên ương chụp hình cưới nên thơ bên nhà Thờ Đức Bà. Tất cả làm nên cái riêng trong văn hóa thưởng thức café của người Sài Gòn.
Người Sài Gòn thích uống café đá ngay từ buổi sáng sớm, không kể là mùa nào. Không giống như phong cách Cà Phê Starbuck của Mỹ, hay phong cách Milan của Ý. Hoặc kỳ lạ là đổ đường, Cà Phê vào đun chung như phong cách Thổ Nhĩ Kỳ. Cà Phê Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng hầu hết được pha theo phong cách Pháp, tức là dùng phin. Thích thú và hồi hộp chờ từng giọt Cà Phê rơi tí tách, là sở thích đặc biệt của dân "ghiền" Cà Phê .
Khi những giọt đắng cuối cùng trên phin ngưng chảy, cũng là lúc chúng ta sắp sửa có quyền thưởng thức ly Cà Phê tuyệt vời. Một chút đường trắng, chiếc muỗng nhỏ xíu như đồ chơi trẻ em trên tay, ta khuấy nhẹ, thật nhẹ thôi. Và khi nâng ly Cà Phê lên môi, một mùi thơm ngất ngây pha chút ngai ngái, ngầy ngậy lan tỏa trong khoang mũi, cộng với vị đắng dịu dàng trên môi, ta cảm nhận hương vị Cà Phê đang tan ra trong miệng, thấm sâu vào tận trái tim khối óc. Lâu lâu nhấp một ngụm nhỏ để lặp lại cảm giác tuyệt diệu này, đó quả là những phút giây hạnh phúc…
Uống café hẻm, café bệt bình dân ở Sài Gòn ta biết đến những tên gọi rất giản dị của café: đen đá, nâu đá chứ chẳng phải là mocha, capuchino…
Café sớm ở Sài Gòn, sâu xa một chút thì như người ta vẫn triết lý: có đủ vị đắng để giúp ta suy tưởng, có đủ độ nồng để tạo cảm giác bồng bềnh, có đủ độ chua để nghĩ về thất bại, có đủ độ mặn để nhớ về đất mẹ, và có đủ độ ngọt ngào để ta cảm thấy được yêu thương…
Nhưng với người Sài Gòn, đơn giản đó là tìm một không gian để được sống chậm lại một vài nhịp trước những đua chen hối hả của cuộc sống, để lấy lại cân bằng và bắt đầu một ngày mới nhiều hứng khởi hơn, để thấy mình đủ trầm tĩnh cảm nhận hết về con người, cuộc sống nơi Sài Gòn tấp nập.